<< Chapter < Page | Chapter >> Page > |
Trong lĩnh vực nghệ thuật, lĩnh vực thứ ba, vẻ đẹp được bộc lộ một cách tập trung hơn, tinh tuý hơn so với hai lĩnh vực đã nói ở trên. Vẻ đẹp xuất hiện trong nghệ thuật có ngọn nguồn trong hiện thực, nghĩa là nó phản ánh vẻ đẹp trong tự nhiên và xã hội. Bằng cách điển hình hoá, vẻ đẹp trong hiện thực phản ánh lại trong nghệ thuật trở nên lộng lẫy hơn, trau chuốt hơn. Ngay cả khi tác phẩm nghệ thuật phản ánh hiện thực xấu, hiện tượng ác thì nó vẫn có thể đẹp nếu như nó bộc lộ được tư tưởng nhân bản và tài năng của nghệ sĩ trong việc phản ánh điều ác, điều xấu ấy. Một tác phẩm nghệ thuật được coi là đẹp khi nó thoả mãn các yêu cầu sau:
- Thứ nhất, tác phẩm phải phản ánh một cách sinh động, chân thực cuộc sống.
- Thứ hai, tác phẩm phải hài hoà, hoàn thiện cả về nội dung lẫn hình thức, trong đó mức độ hoàn thiện của hình thức là yếu tố quyết định sản phẩm ấy có thể được coi là tác phẩm nghệ thuật hay không.
- Thứ ba, tác phẩm phải thể hiện được tình cảm nhân đạo chủ nghĩa, phải làm cho công chúng nghệ thuật tôn trọng giá trị con người, yêu cuộc sống nhân gian.
- Thứ tư, trong điều kiện có cuộc đấu tranh chính trị xã hội, có thể đưa thêm tiêu chí tính Đảng, tính giai cấp, tính dân tộc để đánh giá các tác phẩm, các xu hướng nghệ thuật.
a. Bản chất thẩm mỹ của cái bi
Mỹ học Mác – Lênin khẳng định bi kịch là một loại hiện tượng xã hội, các hiện tượng của giới tự nhiên có thể gây sự thương cảm cho con người. Song nó không thuộc đối tượng phản ánh của cái bi. Hơn nữa mĩ học Mác – Lênin đặt vào trung tâm sự chú ý của mình cuộc đấu tranh nhằm giải phóng con người, vì vậy những sự đau thương do các quy luật tự nhiên mang lại, sự đau thương mang tính ngẫu nhiên không phải là đối tượng chính mà phạm trù cái bi phản ánh.
Cơ sở khách quan của bi kịch là những mâu thuẫn mang tính khách quan giữa con người với tự nhiên, giữa những lực lượng đối kháng trong xã hội và ngay trong bản thân con người khi đứng trước những lựa chọn của cuộc sống. Vì lẽ đó, bi kịch nảy sinh và tồn tại trong tất cả các xã hội, kể cả xã hội không có chế độ người bóc lột người, về căn bản bi kịch chỉ đổi từ hình thức này sang hình thức khác mà thôi.
Cơ sở bi kịch thể hiện qua các tình huống sau:
Thứ nhất, đó là sự thất bại của các lực lượng tiến bộ xã hội họ vùng dậy để khẳng định quyền tồn tại của mình. Song, đây là lực lượng non trẻ vì thế dễ bị các thế lực đang cầm quyền đàn áp, tiêu diệt. Đó là cuộc khởi nghĩa của các tầng lớp nhân dân lao động chống lại sự thống trị của giai cấp thống trị, các tư tưởng khoa học, chính trị xã hội mới, những người anh hùng đấu tranh nhằm chống lại sự bất công phi nhân bản với con người.
Thứ hai, đó là tình huống bi kịch của cái cũ. Thông thường những lực lượng xã hội cũ này vẫn còn có ý nghĩa tích cực nào đó, hoặc là cái cũ đang cố gắng vươn tới cái mới song không kịp thời, phải trả giá cho những sai lầm đã mắc phải trước đó.
Trong xã hội biểu hiện của cái bi khá đa dạng:
Bi hùng phản ánh sự hy sinh cho cái mới một cách cao cả. Nhân vật trong bi hùng hành động với ý thức trách nhiệm sâu sắc trước lịch sử. Sự hy sinh của nhân vật bi hùng này thức tỉnh mọi người đứng dậy đấu tranh cho những lý tưởng nhân đạo, đấu tranh cho lẽ phải, sự công bằng và những khát vọng chân chính của con người.
Notification Switch
Would you like to follow the 'Đại cương mỹ học - mác lê nin' conversation and receive update notifications?