<< Chapter < Page Chapter >> Page >

Phạm trù cái đẹp

a. Bản chất của cái đẹp

Thời Hy Lạp cổ đại, xuất phát từ thế giới quan cho rằng thế giới các vật thụ cảm là cái bóng của thế giới ý niệm, Platôn thừa nhận vẻ đẹp của các sự vật, hiện tượng, nhưng lại cho vẻ đẹp ấy chỉ thoáng qua, nhất thời. Ông cho cái đẹp vĩnh hằng là cái đẹp trong ý niệm, các đồ vật đẹp chỉ là cái bóng của ý niệm đẹp.

Hêghen – nhà duy tâm khách quan người Đức mặc dù thừa nhận cái đẹp của tự nhiên, nhưng ông lại loại trừ nó ra khỏi đối tượng nghiên cứu của mỹ học, vì cho rằng cái đẹp trong tự nhiên chỉ là phản ánh cái đẹp thuộc về tinh thần. Ông quan niệm cái đẹp như là một sự thể hiện đặc biệt của ý niệm tuyệt đối dưới hình thức cụ thể cảm tính. Sự hài hoà cân xứng ông chỉ coi là dấu hiệu của cái đẹp. Ông khẳng định cái đẹp trong tự nhiên hấp dẫn hơn cái đẹp trong nghệ thuật. Ông đồng nhất cái đẹp trong nghệ thuật với lý tưởng và lý giải đó là sự kết hợp cân đối giữa nội dung và hình thức. Ngay trong nghệ thuật, cái đẹp cũng tuỳ thuộc vào sự tương xứng giữa nội dung và hình thức.

Về mỹ học, Kant được coi là người có tư tưởng duy tâm chủ quan một cách nhất quán, ông cho rằng cái đẹp hoàn toàn phụ thuộc vào chủ thể cảm thụ nó, “vẻ đẹp không phải ở má hồng cô thiếu nữ mà ở trong mắt kẻ si tình”. Nhưng xuất phát từ lý luận nhận thức có tính nhị nguyên, ông lại khẳng định cái đẹp không có khái niệm, không xác định và đi đến nhận định cái đẹp thật sự là cái đẹp thuần khiết, không vụ lợi. Những vẻ đẹp gắn với công dụng thực tiễn ông gọi là vẻ đẹp kèm theo hay vẻ đẹp loại hai.

Khác với chủ nghĩa duy tâm, xu hướng duy vật bàn về bản chất của cái đẹp có Hêraclít, nhà tư tưởng duy vật có tính biện chứng chất phát đồng nhất cái đẹp với sự hài hoà, còn bản thân sự hài hoà là thống nhất giữa các mặt mâu thuẫn. Ông phát hiện ra tính chất tương đối của vẻ đẹp và tuyên bố con khỉ dù đẹp nhất nếu so với người vẫn là xấu, giống như trí tuệ của người thông minh nhất nếu so với thượng đế vẫn là ngu đần.

Nhà nguyên tử luận Đêmôcrít phát hiện vẻ đẹp có quy mô vừa phải, nó tồn tại trong sự cân xứng, có chừng mực giữa các bộ phận trong một chỉnh thể, ông quan niệm cái đẹp tồn tại khách quan, gắn với các sự vật như là các thực thể.

Như Arixtốt – một nhà bách khoa toàn thư và được coi là nhà lịch sử triết học đầu tiên, tiếp nhận các tiêu chí mà các nhà tư tưởng đi trước đưa ra, đồng thời bổ sung các dấu hiệu của cái đẹp như hoà nhịp, cân xứng, xác định, chỉnh thể. Theo chân các nhà tư tưởng duy vật tiền bối, Arixtốt dường như quy cái đẹp về các thuộc tính vật chất của nó.

Trécnưxépxki, nhà dân chủ cách mạng Nga đã có một bước tiến so với các nhà duy vật Hy Lạp cổ đại. Ông cho cái đẹp là cuộc sống, “một sinh thể đẹp là qua chúng ta nhìn thấy cuộc sống đúng như quan niệm của chúng ta, một sự vật đẹp là một sự thể hiện cuộc sống hoặc nó nhắc ta nghĩ đến cuộc sống”.

Như vậy, các quan niệm mỹ học – triết học về cái đẹp trước chủ nghĩa Mác đều không tránh khỏi tính phiến diện ở mức độ này hay mức độ khác khi họ hoặc xác định nguồn gốc của cái đẹp là ý niệm hay tinh thần tuyệt đối, hoặc xác định nguồn gốc của cái đẹp từ cảm xúc chủ quan của cá nhân, hoặc tuyệt đối hoá tính khách quan của vẻ đẹp, đồng nhất cái đẹp với những thuộc tính vật chất – vật lý của các sự vật, hiện tượng.

Get Jobilize Job Search Mobile App in your pocket Now!

Get it on Google Play Download on the App Store Now




Source:  OpenStax, Đại cương mỹ học - mác lê nin. OpenStax CNX. Jul 31, 2009 Download for free at http://cnx.org/content/col10868/1.1
Google Play and the Google Play logo are trademarks of Google Inc.

Notification Switch

Would you like to follow the 'Đại cương mỹ học - mác lê nin' conversation and receive update notifications?

Ask