<< Chapter < Page | Chapter >> Page > |
Mốt thông thường đi đôi với thị hiếu thẩm mỹ, mặc dù thị hiếu thẩm mỹ là trạng thái tình cảm tương đối ổn định lặp đi lặp lại trước đối tượng thẩm mỹ, còn mốt là cái chưa ổn định được đưa ra cho thị hiếu thẩm mỹ thử thách.
Mốt - xem xét dưới góc độ mỹ học - triết học – là sự thay đổi một cách thường xuyên, cục bộ các hình thức bề ngoài, xảy ra dưới sự ảnh hưởng của nhiều yếu tố xã hội (kinh tế, tâm lý xã hội, văn hoá, đạo đức và thẩm mỹ).
Mốt có liên hệ chặt chẽ với truyền thống văn hoá, các phong tục và truyền thống trong xã hội thường bị khúc xạ trong mốt.
Được thử thách qua một thời gian, nếu mốt phù hợp với truyền thống văn hoá và đáp ứng với những nhu cầu lịch sử, nó sẽ tồn tại khá bền vững và bổ sung vào vốn văn hoá truyền thống những hình thức mới. Mốt có thể làm cho những yếu tố truyền thống trở nên lỗi thời, không phù hợp với cuộc sống hiện tại. Cũng có thể chính bản thân mốt nếu không phù hợp với hoàn cảnh tâm lý – xã hội, không phù hợp với môi trường, không hoà nhịp với xu thế vận động xã hội sẽ nhanh chóng bị loại bỏ. Nhưng sự ra đi của nó thầm lặng, không ồn ào như khi mới xuất hiện.
d. Lý tưởng thẩm mỹ
Lý tưởng thẩm mỹ là một thành tố cơ bản, là hạt nhân của ý thức thẩm mỹ, đóng vai trò hình mẫu cho các giá trị thẩm mỹ cần thiết và mong muốn.
Đánh giá thẩm mỹ bao giờ cũng phải tuân theo các chuẩn mực, các chuẩn mực đánh giá có thể nặng về cảm tính, có thể nặng về lý tính. Trong các chuẩn mực, chuẩn mực cao nhất là lý tưởng thẩm mỹ, bởi vì nó là một hệ thống quan điểm cụ thể - cảm tính về sự hài hoà, hoàn thiện của các sự vật , hiện tượng.
Lý tưởng thẩm mỹ được biểu hiện ra thông qua hình tượng mang tính toàn vẹn và cụ thể cảm tính. Những hình tượng ấy thường là con người thuộc một thời đại nhất định, thuộc một tầng lớp trong xã hội nhất định với những quan hệ cụ thể của họ với thế giới xung quanh. Lý tưởng thẩm mỹ ở mỗi thời đại, mỗi xã hội thể hiện rõ rệt nhất qua nghệ thuật, qua các tác phẩm nghệ thuật tiêu biểu ở mỗi thời đại, mỗi xã hội ấy. Thông thường lý tưởng thẩm mỹ được thể hiện trực tiếp qua các hình tượng những nhân vật tích cực, nhân vật chính diện, nhân vật anh hùng, song trong xu hướng nghệ thuật hiện thực phê phán, lý tưởng thẩm mỹ được thể hiện một cách gián tiếp khi các tác phẩm nghệ thuật mổ xẻ phê phán và đả kích các hiện tượng tiêu cực, cả về phương diện đạo đức lẫn phương diện chính trị xã hội.
Lý tưởng thẩm mỹ trong nghệ thuật là sự thể hiện một cách tập trung sâu sắc lý tưởng thẩm mỹ ngoài đời sống xã hội, nó có khả năng dẫn dắt lý tưởng thẩm mỹ ngoài hiện thực.
Quan hệ thẩm mỹ của con người với hiện thực đã hình thành các chủ thể thẩm mỹ khác nhau. Hiện nay mỹ học Mác – Lênin phân thành năm nhóm chủ thể thẩm mỹ chủ yếu:
a. Nhóm chủ thể thưởng thức
Nhóm này còn được gọi là nhóm cảm thụ các giá trị thẩm mỹ, nó có quy mô rộng lớn nhất, nó bao trùm hai nhóm còn lại, hầu như mỗi con người xã hội đều có cơ hội để trở thành một chủ thể thưởng thức trong những tình huống nhất định nào đó.
Notification Switch
Would you like to follow the 'Đại cương mỹ học - mác lê nin' conversation and receive update notifications?