<< Chapter < Page | Chapter >> Page > |
Lòng mong muốn vươn tới thoả mãn những giá trị thẩm mỹ tích cực là một trong những yếu tố nâng con người vượt qua những nhu cầu thực dụng thô thiển và những đòi hỏi bản năng. Kant đã rất có lý khi nhận định rằng: nhu cầu thẩm mỹ chỉ được thoả mãn, tình cảm thẩm mỹ chỉ được nảy sinh khi con người vượt lên trên những suy tính vụ lợi, ích kỷ tầm thường.
Nhu cầu thẩm mỹ ở con người được bộc lộ ra qua hai xu hướng tuỳ thuộc vào cá tính. Những người có cá tính yếu thường có xu hướng hoà nhập, tiếp nhận những giá trị phổ biến theo trào lưu chung của cộng đồng. Những người có cá tính mạnh thường có xu hướng tách biệt ra để khẳng định cái “tôi” của mình. Họ có thể phá bỏ một số giá trị truyền thống, tạo lập ra những giá trị thẩm mỹ mới, độc đáo, đặc biệt cho xã hội.
c. Thị hiếu thẩm mỹ
Thị hiếu thẩm mỹ là sở thích của con người về phương diện thẩm mỹ. Đó là thái độ tình cảm của con người trước cái đẹp, cái xấu, cái bi, cái hài, cái cao cả trong cuộc sống và nghệ thuật.
So với cảm xúc thẩm mỹ, thị hiếu thẩm mỹ ổn định và bền vững hơn, nó đã là sự thống nhất giữa tình cảm thẩm mỹ và lý trí. Song, thị hiếu thẩm mỹ vẫn bộc lộ tính mau lẹ và nhạy cảm. Dường như bao giờ người ta cũng có thể trả lời ngay câu hỏi trước mỗi một hiện tượng thẩm mỹ. Thị hiếu thẩm mỹ nghiêng về phía tình cảm sẽ thay đổi nhanh, nếu nghiêng về phía lý trí thì sẽ bền vững, ổn định hơn. Trình độ học vấn, mức độ được giáo dục về mặt thẩm mỹ, được tiếp xúc với nghệ thuật, ảnh hưởng và chi phối mạnh đến thị hiếu thẩm mỹ của mỗi cá nhân.
Thị hiếu thẩm mỹ ở mỗi con người không phải là bẩm sinh, bất biến, mà thay đổi tuỳ theo từng lứa tuổi, từng thời kỳ, theo giới tính khác nhau. Nó vừa mang tính cá nhân, vừa mang tính xã hội. Thị hiếu của cá nhân và của xã hội đan xen và ảnh hưởng đến nhau: cá nhân có cá tính yếu thường chịu sự chi phối, ràng buộc của thị hiếu xã hội, thị hiếu cộng đồng. Song, nếu cá nhân có cá tính mạnh, lại có được sự thành đạt nổi bật trong xã hội thì thị hiếu thẩm mỹ của anh ta tác động mạnh đến thị hiếu cộng đồng, thậm chí làm thay đổi cả những quan điểm thẩm mỹ của xã hội.
Giữa thị hiếu thẩm mỹ lành mạnh và thị hiếu thẩm mỹ độc hại không có ranh giới cứng nhắc, chúng chịu sự chi phối của quan điểm chính trị của một xã hội nhất định nào đó. Sự thích thú cùng một đối tượng thẩm mỹ ở các cá nhân khác nhau có thể xuất phát từ các loại thị hiếu lành mạnh, độc hại trái ngược nhau. Một đối tượng thẩm mỹ có thể là lành mạnh, độc hại tuỳ thuộc vào người cảm nhận và mức độ tiếp xúc của người đó với đối tượng.
Người có thị hiếu thẩm mỹ phát triển cao, một mặt do xuất phát từ bản năng nhạy cảm khác nhau đối với thế giới xung quanh; do được tiếp nhận một nền học vấn tiến bộ, tích cực, do được tiếp xúc và được giáo dục nhiều với nghệ thuật và bởi nghệ thuật tiên tiến. Ngược lại người có thị hiếu kém phát triển một phần có thể còn mang nhiều bản năng thô lỗ, một phần do phải sinh sống lâu năm trong những điều kiện vật chất quá thiếu thốn, trong môi trường đời sống tinh thần của cộng đồng tăm tối. Sự thấp kém về thị hiếu thẩm mỹ này có thể được khắc phục một mức độ lớn bởi sự thay đổi những điều kiện kinh tế - xã hội.
Notification Switch
Would you like to follow the 'Đại cương mỹ học - mác lê nin' conversation and receive update notifications?