<< Chapter < Page | Chapter >> Page > |
Kịch được chia thành nhiều loại thể: kịch nói, kịch hát, nhạc kịch (Ôpêra), vũ kịch…Trong kho tàng nghệ thuật dân tộc, chúng ta có chèo, tuồng, cải lương – đều thuộc loại thể kịch hát. Chèo là sản phẩm sáng tạo điển hình của đồng bằng Bắc Bộ. Tuồng tuy có “Tuồng Bắc”, “tuồng Nam”, nhưng nói đến tuồng là nói đến sản phẩm sáng tạo điển hình của miền Trung. Còn cải lương là điển hình của sáng tạo Nam Bộ. Như vậy, rất công bình, mỗi miền đóng góp vào kho tàng kịch hát dân tộc một loại thể độc đáo của mình làm nên sự phong phú của nền kịch hát dân tộc.
Riêng kịch nói, khi chúng ta tiếp cận văn hóa Châu Âu – với cuộc sống có nhịp độ cao, với những xung đột gay gắt, quyết liệt, bộc lộ trần trụi, kịch nói mới được hình thành ở nước ta. Các vở kịch nói đầu tiên ở nước ta là: Chén thuốc độc của Vũ Đình Long (diễn buổi đầu tiên vào tối 22/10/1922 tại Nhà hát lớn Hà Nội đã được công chúng nhiệt liệt tán thưởng). Sau đó, Vũ Đình Long lại cho ra đời tiếp vở: Tòa án lương tâm, Tây sương tân kịch. Nguyễn Hữu Kim có các vở: Bạn và vợ, Thủ phạm là tôi, Giời đất mới. Vi Huyền Đắc sáng tác các vở: Uyên ương, Hoáng Mộng Điệp, Hai tối tân hôn. Nhà viết kịch Nam Xương có các vở: Ông Tây An nam, Chàng ngốc. Trương Ái Chủng có vở: Nghi ngốc. Đoàn Châu có: Dây oan…
Điện ảnh:
Có nhiều cách biểu hiện về điện ảnh:
- “Điện ảnh là nhiếp ảnh di động”.
- Điện ảnh là “nghệ thuật biến hình tượng tạo hình (hội họa, điêu khắc) đang từ bất động thành hình tượng chuyển động phát triển trong thời gian”.
- Điện ảnh là “nghệ thuật sân khấu được trải rộng theo tòan bộ không gian và thời gian cuộc đời. Với điện ảnh, toàn bộ cuộc đời là một sân khấu”.
- “Điện ảnh là nghệ thuật tái hiện hệ thống hình ảnh về cảm giác nổi đang chuyển động trong không gian ba chiều”…
Các cách hiểu này có phần đúng, nhưng chưa tòan diện. Thực chất, điện ảnh là một nghệ thuật tổng hợp – nó thu hút tất cả các nghệ thuật khác, biến chúng thành phương tiện biểu hiện, rồi kết hợp chặt chẽ với kỹ thuật (phương tiện mang tính công nghệ), nhằm tái hiện cảm giác về các hình nổi trong không gian ba chiều đang diễn ra một cách đầy cảm xúc, đầy biểu tượng, một cách liên tục, tòan diện về hoàn cảnh tạo ra biến cố, tạo ra tính cách và số phận con người.
Nói một cách ngắn gọn, ta có thể thâu tóm bản chất của điện ảnh vào một hệ thống ba thành tố: 1) Tất cả các nghệ thuật, 2) Kỹ thuật, 3) Hình tượng thị giác nổi và chuyển động (= điện ảnh). Như vậy, tất cả các nghệ thuật khác đều bị hút vào điện ảnh như: văn hcọ (kịch bản điện ảnh), hội họa (trong phim màu, ta có cảm giác được xem các bức tranh mầu chuyển động), điêu khắc (qua diễn viên), kiến trúc, kịch, âm nhạc, múa…
Biện pháp quan trọng nhất của điện ảnh là biện pháp dựng phim – thống hợp các cảnh, các đoạn đã quay từng phần thành một chỉnh thể tác phẩm. Như vậy, dựng phim là một tất yếu thẩm mỹ của điện ảnh. Với dựng phim lại càng chứng tỏ cách định nghĩa Điện ảnh bằng hệ thống ba thành tố là đúng.
Vì điện ảnh là một nghệ thuật tổng hợp, nên thành công của một bộ phim cũng là thành công của hàng loạt nghệ sĩ, đạo diễn (đóng vai trò chủ chốt), biên kịch (viết kịch bản), diễn viên (trong điện ảnh ta chỉ thấy hình tượng diễn viên chứ không phải bản thân diễn viên như trong kịch), quay phim, dựng phim, họa sĩ, nhạc sĩ, âm thanh, ánh sáng…
Notification Switch
Would you like to follow the 'Đại cương mỹ học - mác lê nin' conversation and receive update notifications?