<< Chapter < Page | Chapter >> Page > |
Hoa chôm chôm có hai loại là hoa đực và hoa lưỡng tính. Hoa đực không có bầu noãn do đó chỉ làm nhiệm vụ cung cấp hạt phấn cho hoa lưỡng tính. Hoa nở vào lúc sáng sớm sẽ hoàn tất sau 3 giờ trong điều kiện có nắng tốt. Hoa nở vào buổi chiều sẽ chấm dứt vào sáng hôm sau. Trung bình có 3.000 hoa đực trên một phát hoa. Mỗi hoa có trung bình 5.400 hạt phấn. Do đó, có khoảng 16 triệu hạt phấn trong một phát hoa. Hoa lưỡng tính có hai loại, hoa lưỡng tính nhưng làm chức năng của hoa đực và hoa lưỡng tính nhưng làm chức năng của hoa cái. Ở hoa lưỡng tính-đực, chỉ nhị phát triển mạnh trong khi ở hoa lưỡng tính cái thì bầu noãn phát triển nhưng bao phấn không mở. Trung bình có khoảng 500 hoa lưỡng tính trên một phát hoa. Hoa lưỡng tính-cái nhận phấn trong ngày và trở thành màu nâu trong ngày hôm sau. Tuy nhiên, cũng giống như hoa đực, hoa lưỡng tính cái nhận phấn chủ yếu vào buổi sáng sớm.
Tuỳ thuộc vào đặc tính của hoa, cây chôm chôm được phân thành 3 nhóm:
- Cây đực : Chỉ sinh ra hoa đực. Có khoảng 40-60 % cây con mọc từ hột là cây đực.
- Cây lưỡng tính nhưng chỉ sinh ra hoa lưỡng tính-đực.
- Cây lưỡng tính nhưng sinh ra cả hai loại hoa lưỡng tính đực và cái. Tuy nhiên, tỉ lệ hoa lưỡng tính đực chỉ vào khoảng 0,05-0,90 %. Đây là loại cây phổ biến thường gặp trong sản xuất. Một số giống có tỉ lệ hoa lưỡng tính-đực thấp như “Si-Chompoo” của Thái Lan, sự đậu trái thường ít khi hoàn toàn.
Do sự vắng mặt của hạt phấn trên hoa lưỡng tính-cái, nên có ý kiến cho rằng cần phải có hạt phấn từ cây đực cho việc thụ tinh hoặc là cây lưỡng tính có khả năng hình thành trái qua sự sinh dục vô tính. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng hoa chôm chôm có thể đậu trái mà không cần hạt phấn vì sự đậu trái của hoa chôm chôm đạt kết quả rất tốt trong điều kiện thiếu cây đực và thiếu hạt phấn của hoa lưỡng tính-cái. Tuy nhiên, trong những điều kiện thời tiết bất thường sự thụ phấn của chôm chôm có thể bị trở ngại do thiếu hạt phấn. Trong trường hợp nầy việc xử lý NAA hoặc ở nồng độ 15-20 ppm để làm tăng hoa đực trên một số phát hoa từ đó làm tăng tỉ lệ đậu trái cho chôm chôm. Thời điểm xử lý NAA hoặc SNA (dạng muối natri của NAA) thích hợp là khi có một phần ba số hoa trên phát hoa nở. Theo Bùi Thanh Liêm (1999), cho biết NAA có khả năng chuyển đổi giới tính hoa chôm chôm từ hoa lưỡng tính làm nhiệm vụ hoa cái thành hoa lưỡng tính làm nhiệm vụ hoa đực cung cấp những hạt phấn hoạt năng. Có thể sử dụng NAA ở nồng độ biến thiên từ 15-200 ppm để phun lên phát hoa nhằm chuyển đổi giới tính mà vẫn không ảnh hưởng tới chất lượng phát hoa. Tuy nhiên, phun NAA ở nồng độ 30 ppm cho kết quả ổn định và kinh tế nhất. Biện pháp phun chùm hoa theo bốn hướng trên tán cây, mỗi chùm từ 3-5 phát hoa vào thời điểm hoa nở 30% trên phát hoa để gia tăng tỉ lệ đậu trái và năng suất cây chôm chôm.
Ruồi và ong mật là côn trùng rất có ích làm tăng sự thụ phấn cho hoa chôm chôm. Đặc biệt vào buổi sáng sớm khi cả hoa đực và hoa lưỡng tính cái đều mở. Ngoài ra, để tăng sự thụ phấn cho cây chôm chôm, người ta còn trồng xen nhiều giống chôm chôm có thời gian ra hoa chồng lên nhau. Việc phun các chất điều hoà sinh trưởng để làm tăng sự sản xuất hạt phấn nhằm làm tăng sự thụ phấn cũng là biện pháp được áp dụng ở Thái Lan.
Notification Switch
Would you like to follow the 'Xử lý ra hoa' conversation and receive update notifications?