<< Chapter < Page | Chapter >> Page > |
Trong qui trình kích thích chôm chôm ra hoa mùa nghịch của nông dân hai huyện Long Hồ (Vĩnh Long) và Chợ Lách (Bến Tre), cây chôm được kích thích ra ba lần đọt trước khi kích thích ra hoa và tương ứng là ba lần bón phân thúc ra đọt với tỉ lệ NPK trung bình là 2,5-2,9:1,9-2,4:1), trong đó, lượng phân đạm có tỉ lệ nghịch với tỉ lệ ra hoa (y = -0,05x + 97,2 với r = -0,7**). Whitehead (1959) cho rằng thời tiết và khả năng dự trữ chất dinh dưỡng của cây là hai yếu tố quyết định sự ra hoa và tạo trái. Như vậy, việc bón phân kích thích ra đọt giúp cây tăng nguồn dự trữ carbohydrate cho quá trình ra hoa và nuôi trái là rất cần thiết nhưng nếu bón nhiều đạm, cây sinh trưởng quá mạnh có thể làm giảm sự ra hoa. Ngoài ra, khi phân tích hồi qui nhiều chiều giữa tỉ lệ ra hoa với một số biện pháp canh tác như lượng phân đạm, lân, kali và thời gian xiết nước (8 biến) cho thấy thời gian xiết nước kích thích chôm chôm ra hoa - X1 và lượng phân đạm bón kích thích ra đọt lần ba - X2 (trước khi kích thích ra hoa) là hai biến dự đoán tốt nhất của mô hình theo phương trình hồi qui Y = 1,22 X1 + 0,035X2 + 4,792 với R2=0,748*.
Hình 8.11 Kích thích chôm chôm ra hoa bằng cách “sứa thân” tại huyện Cầu Kè, tỉnh trà Vinh |
Hình 8.12 Kích thích chôm chôm ra hoa bằng cách phủ mắt liếp bằng màng phủ plastic kết hợp với xiết nước trong mương vườn |
* Paclobutrazol
PBZ là chất có tính ức chế sinh trưởng, ngăn cản quá trình sinh tổng hợp gibberellin và làm giảm mức độ gibberellin nội sinh do PBZ ngăn chặn sự biến đổi kaurene thành acid kaurenoic (Tindall, 1994). Do đó, PBZ được sử dụng như một chất làm chậm tăng trưởng ở nhiều loại cây trồng. Phun PBZ làm tăng tỉ lệ C/N ở đọt ngay cả khi ẩm độ cao, từ đó làm giảm sự phát triển chồi và cỡ lá, carbohydrate cần cho lá giảm và tăng ở chồi, do đó kích thích sự hình thành mầm hoa. PBZ có khả năng làm gia tăng năng suất chôm chôm, chủ yếu là do tăng số lượng hoa và trái trên một phát hoa. Cây xử lý PBZ nồng độ 2,5 mM cho năng suất cao (9,7 tấn/ha) so với cây đối chứng (6,9 tấn/ha). Tuy nhiên, kích cỡ, độ dày cơm, khối lượng trái cũng như phẩm chất trái không bị ảnh hưởng (Tindall và ctv., 1994). Muchjajib (1990) cho biết nếu xử lý ra hoa cho giống ‘Roengrean’ bằng cách phun lên lá PBZ và ethephon thì tỉ lệ ra hoa tăng lên đáng kể so với đối chứng. Với giống ‘Roengrean’, cây 4-5 tuổi thì dùng PBZ 700-1.000 ppm là thích hợp. Nếu phun nồng độ cao hơn có thể gây ra hiện sinh trưởng bất bình thường.
Trần Văn Hâu và ctv. (2005) nhận thấy phun PBZ ở nồng độ 600 ppm có tác dụng thúc đẩy sự hình thành mầm hoa và phát hoa phát triển sớm hơn đối chứng từ 1-2 tuần. Xử lý PBZ còn làm tăng tỉ lệ ra hoa. Phun PBZ ở nồng độ 600 ppm tỉ lệ ra hoa đạt trên 80%, khác biệt không có ý nghĩa thống kê giữa biện pháp có và không phủ mặt liếp, tuy nhiên nếu phun PBZ ở nồng độ 200 và 400 ppm thì tỉ lệ ra hoa của biện pháp phủ mặt liếp cao hơn so với không phủ. Điều nầy cho thấy rằng trong điều kiện xiết nước trong mương tốt, biện pháp phủ mặt liếp có hiệu quả khi phun PBZ ở nồng độ 200-400 ppm nhưng nếu phun PBZ ở nồng độ 600 ppm thì biện pháp phủ mặt liếp không có hiệu quả làm tăng tỉ lệ ra hoa. Tuy nhiên, kết quả kích thích chôm chôm ra hoa rãi vụ vào những thời điểm khác nhau trong mùa mưa vào tháng 7 và tháng 9 trong điều xiết nước trong mương không triệt để, tỉ lệ chồi ra hoa thấp hơn so với điều kiện xiết trong mương triệt để, thời gian bắt đầu hình thành mầm hoa thường kéo dài và mầm hoa phát triển vào cuối tháng 11 đến đầu tháng 12, khi có điều kiện khô hạn mặc dù thời gian ra hoa và thu hoạch chôm chôm vẫn sớm hơn vụ thu hoạch chính vụ khoảng 30 ngày. Kết quả nầy, lần nữa cho thấy biện pháp xiết nước làm giảm ẩm độ đất là yếu tố rất quan trọng lên sự ra hoa của chôm chôm và để có thể rãi vụ chôm chôm có hiệu quả trong mùa mưa cần thiết phải chú ý kỹ thuật nầy.
Notification Switch
Would you like to follow the 'Xử lý ra hoa' conversation and receive update notifications?