<< Chapter < Page | Chapter >> Page > |
Phan Thị Xuân Thủy (2001) cho biết phun NAA một lần trước khi hoa nở ở nồng độ từ 20-60 ppm có tỉ lệ đậu trái 87%, khác biệt có ý nghĩa so với đối chứng (70%) trên giống sầu riêng Sữa Hạt Lép. Tuy nhiên, do sầu riêng Khổ Qua Xanh có tỉ lệ đậu trái tự nhiên rất cao (95,7%) nên các nghiệm thức xử lý NAA khác biệt không có ý nghĩa.
Sau khi đậu trái, trái sầu riêng phát triển qua ba thời kỳ theo một đường cong đơn giản. Trái phát triển chậm trong 4 tuần đầu, phát triển nhanh từ tuần thứ 5-11 sau đó phát triển chậm đến tuần thứ 14 và ngừng phát triển đến khi thu hoạch (Sapii và Namthachai, 1994). Salakpetch và ctv. (1992) cho biết trái sầu riêng Chanee phát triển rất mạnh trong giai đoạn từ 8-12 tuần sau khi đậu trái, có thể đạt 16 g chất khô/trái/ngày. Sự đậu trái là một nguyên nhân quan trọng ảnh hưởng lên hình dạng trái vì sự thụ tinh thất bại làm cho hạt không phát triển nên trái sầu riêng bị méo. Từ những ghi nhận nầy Somsri (1987, dẫn bởi Sapii và Namthachai, 1994) cho biết kỹ thuật thụ phấn bằng tay sẽ làm cải thiện hình dáng và kích thước trái sầu riêng giống Chanee và Kanyao.
Sự ra đọt non trong giai đoạn phát triển trái là nguyên nhân quan trọng gây ra hiện tượng rụng bông, trái non và làm giảm phẩm chất trái. Cây sầu riêng ra đọt non giai đoạn từ 20-55 ngày sau khi đậu trái sẽ làm rụng trái non, nếu cây ra đọt non ở giai đọt tiếp theo sau đó sẽ làm cho trái sầu riêng bị sượng (thịt quả cứng), có màu nâu, không có màu vàng tươi hay màu sắc không đồng đều (Nakasone và Paull, 1998). Do đó, ức chế sự sinh trưởng, không sử dụng phân bón lá và sử dụng phân lân và kali cao có vai trò bổ sung cho việc ra đọt non và nhu cầu phát triển trái. Sự cân bằng nhu cầu carbohydrat trong sự phát triển trái và tỉ lệ sinh trưởng nhanh của sự sinh trưởng dinh dưỡng là yếu tố quyết định phẩm chất trái trong giai đoạn trái phát triển. Sự sinh trưởng dinh dưỡng dường như huy động chất dinh dưỡng mạnh hơn sự phát triển trái nên cần giảm bớt sự sinh trưởng dinh dưỡng trong giai đoạn nầy. Chỉ có một đợt ra hoa duy nhất và sự tỉa bớt hoa, trái là cần thiết nhằm làm giảm bớt sự cạnh tranh chất dinh dưỡng trong một đợt hoa. Cây cho trái sai sẽ làm giảm sự sinh trưởng của rễ (Salakpetch, 1996). Punnachit và ctv., (1992) cho biết phun KNO3 (150 g/10 lít) và 0-52-34 (250 g/10 lít) trên giống Chanee 20 năm tuổi làm cháy lá sau khi phun 3 ngày nhưng làm chậm sự ra lá 14 ngày.
Theo Mamat và Wahab (1992) thì hàm lượng gibberellin trong hột sầu riêng thấp nhất ở giai đoạn 6 tuần sau khi đậu trái nên phun Gibberellin ở nồng độ 5 ppm lên cuống trái ở giai đoạn nầy làm ngăn cản sự rụng trái non, thúc đẩy sự phát triển trái và làm tăng kích thước trái từ 20-30%.
Hình 7.4 Sự phát triển trái sầu riêng Khổ Qua Xanh |
Hiện tượng trái sầu riêng bị "sượng"
Sầu riêng bị "sượng" là một dạng rối loạn sinh lý trong quá trình phát triển trái, làm giảm phẩm chất và giá trị trái. Trái sầu riêng bị "sượng" là một trở ngại và cũng là nổi băn khoăn rất lớn của nhà vườn trồng sầu riêng ở Việt Nam cũng như các nước ở vùng Đông Nam Á như Thái Lan (Nanthachai, 1994), Philippines (Loquias và ctv. 1999). Sầu riêng “sượng" được định nghĩa bởi Nakasone và Paull (1998) là hiện tượng phần ăn được (cơm) bị cứng, có màu nâu, không có màu vàng tươi hay màu sắc không đồng đều.
Notification Switch
Would you like to follow the 'Xử lý ra hoa' conversation and receive update notifications?