<< Chapter < Page Chapter >> Page >

Tính quy định của thời đại đối với đạo đức cho ta quan niệm khoa học về loại hình đạo đức. Mặc dù đạo đức có quy luật vận động nội tại, có sự kế thừa, có sự lệch pha nào đó đối với cơ sở sản sinh ra nó nhưng về căn bản, tương ứng với mỗi chế độ kinh tế, mỗi phương thức sản xuất và do đó mỗi hình thái kinh tế - xã hội là một hình thái đạo đức nhất định. Đạo đức nguyên thuỷ, đạo đức chiếm hữu nô lệ, đạo đức phong kiến, đạo đức tư sản và sau đó, đạo đức cộng sản chủ nghĩa là những thời đại tiến triển dần dần của đạo đức nhân loại.

Cùng với tính thời đại, tính dân tộc là một trong những biểu hiện bản chất xã hội của đạo đức. Có thể nhìn nhận tính dân tộc như là sự biểu hiện đặc thù tính thời đại của đạo đức trong các dân tộc khác nhau. Không phải các học thuyết đạo đức trước Mác không thấy sự khác biệt trong đời sống đạo đức của các dân tộc. Có điều, việc giải thích sự khác biệt ấy, hoặc là dựa trên cơ sở tôn giáo hoặc là dựa trên các quan niệm duy tâm triết học nên không đúng đắn…

Coi đạo đức như là một hình thái ý thức xã hội, các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác đã đặt cơ sở khoa học cho việc luận chứng tính dân tộc của đạo đức. Là một hình thái ý thức xã hội, ý thức đạo đức vừa bị quy định bởi tồn tại xã hội, vừa chịu ảnh hưởng của các hình thái ý thức xã hội khác (chính trị, triết học, tôn giáo, nghệ thuật…). Tổng thể những nhân tố ấy trong mỗi dân tộc là sự khác biệt nhau làm thành cái mà ngày nay chúng ta gọi là bản sắc dân tộc. Bản sắc ấy được phản ánh vào đạo đức tạo nên tính độc đáo của các quan niệm, các chuẩn mực, cách ứng xử đạo đức, nghĩa là tạo nên tính độc đáo trong đời sống đạo đức của mỗi dân tộc, nhìn nhận tính độc đáo và sự khác biệt ấy về mặt dân tộc trong cặp khái niệm cơ bản của đạo đức, cặp khái niệm thiện – ác, Ănghen chỉ ra sự biến đổi của chúng qua các thời đại và dân tộc. Ông viết: “Từ dân tộc này sang dân tộc khác, từ thời đại này sang thời đại khác, những quan niệm về thiện và ác đã biến đổi nhiều đến mức chúng thường trái ngược hẳn nhau”(1).

Luận chứng cho bản chất xã hội của đạo đức, Mác và Ănghen đặc biệt chú ý đến tính giai cấp của đạo đức. Trong “Chống Đuy - Rinh”, Ănghen nhận xét rằng: “Cho tới nay, xã hội đã vận động trong những sự đối lập giai cấp, cho nên đạo đức cũng luôn luôn là đạo đức của giai cấp”(2).

Trong xã hội có giai cấp và đối kháng giai cấp, mỗi giai cấp có vai trò, địa vị khác nhau trong hệ thống kinh tế, xã hội, và do đó mà họ có các lợi ích khác nhau và đối nghịch nhau. Đạo đức với tư cách là hình thái ý thức xã hội đã phản ánh và khẳng định lợi ích của mỗi giai cấp. Ý thức đạo đức giúp mỗi giai cấp hiểu được lợi ích của nó, hiểu được những cách thức, biện pháp bảo vệ và khẳng định lợi ích giai cấp. Mặt khác, mỗi giai cấp đều sử dụng đạo đức của mình như là công cụ bảo vệ lợi ích của mình. Như vậy, tính giai cấp của đạo đức là sự phản ánh và thể hiện lợi ích của các giai cấp. Tính giai cấp của đạo đức là biểu hiện đặc trưng của bản chất xã hội của đạo đức trong xã hội có giai cấp và đối kháng giai cấp. (Vì xã hội là quan hệ người - người, những quan hệ người - người không trừu tượng mà gắn với những quan hệ kinh tế - xã hội).

Mỗi giai cấp có những lợi ích riêng do đó cũng có những quan niệm đạo đức, hệ thống đạo đức riêng. Những hệ thống đạo đức này có sự tác động khác nhau, triệt tiêu nhau (nếu đối kháng), do đó mà tác động hoặc tích cực hoặc tiêu cực đến sự phát triển và tiến bộ xã hội. Tuy nhiên, hệ thống đạo đức được áp đặt cho toàn xã hội bao giờ cũng là hệ thống đạo đức của giai cấp thống trị, mặc dù, trong cuộc sống hàng ngày, mỗi giai cấp vẫn ứng xử theo những lợi ích trực tiếp của mình.

Do chiếm được địa vị thống trị trong đời sống xã hội, giai cấp thống trị đã làm cho đạo đức của mình trở thành yếu tố thống trị trong đời sống xã hội.

Giai cấp thống trị nắm khâu tuyên truyền, điều khiển toàn bộ quá trình sản xuất tinh thần, trong đó có sản xuất các giá trị đạo đức phù hợp với lợi ích giai cấp của nó và buộc mọi thành viên trong xã hội phải tuân thủ những chuẩn mực đạo đức này. Từ đó, nó trở thành cái phổ biến trong xã hội và được củng cố thành thói quen, phong tục, tâm lý. Vì vậy, nó có sức sống dai dẳng trong tâm lý xã hội và cá nhân.

Còn giai cấp bị trị, do bị tước đoạt mất những điều kiện và tư liệu sản xuất tinh thần, các giai cấp bị thống trị không thể phát triển đạo đức của mình ngang tầm với đạo đức của giai cấp thống trị. Hệ thống này luôn bị chèn ép và do đó kém phát triển. Đạo đức của giai cấp bị trị không đủ điều kiện để ảnh hưởng đến toàn bộ các thành viên của giai cấp mình. Nó tồn tại như cái không chính thống, không phổ biến bằng đạo đức của giai cấp thống trị. Vì các giai cấp bị thống trị không có điều kiện để sản xuất, tuyên truyền và sử dụng đạo đức của mình trên phạm vi toàn xã hội.

Trong xã hội có giai cấp, đạo đức mang tính giai cấp nhưng không phải vì vậy mà phủ nhận tính nhân loại chung của đạo đức.

Không nên thổi phồng tính nhân loại chung của đạo đức để đi đến những quan niệm sai lệch về đạo đức trừu tượng, về đạo đức phổ biến phi lịch sử, chẳng có tác dụng gì trong thực tiễn. Nhưng cũng không được phủ định tính nhân loại của đạo đức. Tính nhân loại của đạo đức tồn tại ở hình thức thấp là biểu hiện ở những quy tắc đơn giản, thông thường nhưng lại cần thiết để bảo đảm trật tự bình thường cho cuộc sống hàng ngày của con người. Biểu hiện cao hơn trong tính nhân loại của đạo đức lại ở những giá trị đạo đức tiến bộ nhất trong từng giai đoạn phát triển lịch sử những giá trị đạo đức này thường thường là những giá trị đạt được ở các giai cấp tiến bộ nhất trong từng giai đoạn phát triển của lịch sử nhân loại. Đi đến tột đỉnh các giá trị đạo đức của các giai cấp tiến bộ của từng thời kỳ lịch sử, nhân loại sẽ bắt gặp đạo đức của mình tương ứng với các thời kỳ lịch sử đó.

Get Jobilize Job Search Mobile App in your pocket Now!

Get it on Google Play Download on the App Store Now




Source:  OpenStax, Triết học mác - lênin trong sự nghiệp đổi mới xã hội. OpenStax CNX. Jul 31, 2009 Download for free at http://cnx.org/content/col10849/1.1
Google Play and the Google Play logo are trademarks of Google Inc.

Notification Switch

Would you like to follow the 'Triết học mác - lênin trong sự nghiệp đổi mới xã hội' conversation and receive update notifications?

Ask