<< Chapter < Page | Chapter >> Page > |
Sự ngăn cản sự ra hoa cũng được phát hiện bởi Evans (1960) trên cây Lolium temulentum. Sự đáp ứng ra hoa của cây ngày dài đơn chu kỳ phụ thuộc vào sự cân bằng giữa diện tích lá ngày ngắn và lá ngày dài. Mười cm2 của lá mẫn cảm ngày dài thì đủ để tượng mầm hoa nếu không có lá ngày ngắn nhưng số lượng nầy không đủ nếu có 5 cm2 lá ngày ngắn. Những lá không được kích thích nằm phía dưới lá được kích thích và bằng phương pháp đánh dấu phân tử CO2, cho thấy rằng lá không kích thích bên dưới không có chứa sản phẩm đồng hóa từ các phần được kích thích ở trên mà cũng không giảm sự vận chuyển từ các lá ngày dài ở phần trên lên chồi ngọn. Điều nầy cho phép kết luận rằng trên cây Lolium, chất ức chế ra hoa được sản suất ra từ lá không được kích thích. Ngắt lá không kích thích (lá trong điều kiện ngày ngắn) trong những nhóm khác nhau của cây Lolium ở những thời điểm xen kẻ sau khi bắt đầu đưa phần lá ở phía trên vào điều kiện ngày dài cho thấy giữ lá không kích thích càng lâu trên cây thì tỉ lệ tượng hoa càng thấp. Sự tượng hoa hầu như bị ức chế hoàn toàn nếu lá không kích thích được giữ lại trên cây cho đến 32 giờ (một chu kỳ cảm ứng) sau khi bắt đầu ngày dài.
Tuy vậy, bản chất hóa học của những chất cản thì hoàn toàn chưa được biết.
Tóm lại, chất cản được sản xuất ở những lá mà được đặt trong điều kiện không thích hợp cho sự ra hoa và có lẽ tác động ở mô phân sinh chồi. Những chất cản nầy dường như không tích lũy trong cây mà được chứa đựng trong những điều kiện không kích thích.
Kulkarni (1993 và 1995) đã thí nghiệm chứng minh có sự ảnh hưởng qua lại của gốc ghép và mắt ghép lên sự ra hoa. Ông đã thành công trong việc kích thích ra hoa trong mùa nghịch bằng cách ghép chồi (đã cắt lá) của hai giống Alphonso và Dashehari (không ra hoa trong mùa nghịch) lên giống Royal Special là giống có thể ra hoa trong mùa nghịch-như là nguồn cung cấp chất kích thích ra hoa được tổng hợp từ lá. Ông cho rằng qua việc tháp các chất kích thích ra hoa được tổng hợp ở lá của gốc ghép sẽ chuyển lên cành ghép qua mạch libe sẽ kích thích cành ghép có thể ra hoa trong mùa nghịch. Tuy nhiên ông cũng nhận kết quả ngược lại là lá cũng có thể là yếu tố ức chế sự ra hoa được chuyển qua gốc ghép. Qua kết quả của những thí nghiệm nầy ông cho rằng thuyết ra hoa bởi việc hình thành Florigen trên cây bị ảnh hưởng quang kỳ có thể áp dụng trên cây ăn trái mà tiêu biểu là cây xoài. Kết quả nầy mở ra triển vọng cải thiện đặc tính ra hoa của một số giống xoài khó ra hoa thông qua phương pháp tháp đổi giống và đây có lẽ cũng là một tiêu chuẩn để chọn lựa gốc ghép cho cây xoài. Ở Thái Lan, giống xoài Choke Anan là giống xoài ra hoa quanh năm trong khi giống Kiew-Savoey được xem là giống khó ra hoa nhưng Pojanagaroon (2000) tìm thấy khi tháp lên gốc xoài Choke Anan, xoài Kiew-Savoey và xoài Nam Dok Mai có tỉ lệ ra hoa, tổng số phát hoa và trái nhiều hơn.
Nhiều tác giả cho rằng sự gợi ra hoa ở mô phân sinh được kiểm soát bởi sự cân bằng giữa hai chất cản và kích thích sự ra hoa. Có ý kiến cho rằng sự khởi phát hoa được kiểm soát bởi một sự thay đổi trong tỉ lệ của hai hay nhiều chất thúc đẩy và ức chế sự ra hoa. Trên căn bản, rất khó thấy được tỉ lệ như vậy:
Notification Switch
Would you like to follow the 'Xử lý ra hoa' conversation and receive update notifications?