<< Chapter < Page | Chapter >> Page > |
Đối với cây ra hoa yêu cầu nhiệt độ thấp như cây Chrysanthenum var. Shuokan, chất có hoạt tính như GA tăng trong thời gian xử lý nhiệt độ thấp. Ở tuần thứ ba sau khi xử lý nhiệt độ thấp hàm lượng GA tăng lên 10 lần so với cây không xử lý. Chất được trích từ cây qua xử lý nhiệt độ thấp gây ra sự sinh trưởng của thân và hình thành hoa trên cây không được thụ hàn (tác động tương tự như cách tác động của GA3). Một phần nhỏ của GA được trích từ mầm chồi ngọn của cây Althaea rosea đã được xử lý nhiệt độ thấp. Nhưng chất nầy đã không kích thích ra hoa trên cây Althaea không được thụ hàn mặc dù GA3 hoạt động. Harada và Nitsch () cho biết rằng chất được trích ra ở đỉnh của cây Althaea đã được thụ hàn là hỗn hợp của ít nhất là 4 chất bao gồm GA1, GA3 và GA9.
Sự gia tăng lượng GAs do đáp ứng với nhiệt độ thấp cũng tìm thấy trên cây lúa mì mùa đông, lúa mạch, củ cải, cà rốt và Brassica napus. Sự gia tăng nầy xuất hiện ở tất cả tế bào của cây mạ của cây lúa mì mùa đông nhưng nhiều nhất vẫn là ở đỉnh của chồi. Một lần nữa mối liên hệ giữa mức độ của GAs, sự thụ hàn và sự hình thành hoa thì không rõ ràng.
Trong tất cả các bộ phận của cây điều phát hiện có GA, kể cả hột khô. Tuy nhiên, GA hiện diện nhiều ở phôi, lá non, cành non, hột đang nẩy mầm (Mai Trần Ngọc Tiếng, 1989). GA có tác dụng sinh lý rất rộng, rõ nhất là làm tăng trưởng cây nguyên (Lockhart, 1956). Cơ chế thúc đẩy sự trưởng của GA ở tác dụng làm kéo dài tế bào và tăng tốc độ phân bào. GA kích thích sự tăng trưởng lá, trái, kéo dài lóng để gợi sự trổ hoa.
Trong số tất cả các hormon thực vật được áp dụng dưới điều kiện không cảm ứng, chỉ có GA cho thấy hiệu quả gây sự hình thành hoa trong một số loài. GA ngoại sinh giúp kéo dài lóng và đáp ứng ra hoa ở những cây ngày dài trong khi cây ngày ngắn và cây bất định không đáp ứng (Lang, 1957; Bernier, 1988, Metzer, 1995).
Mức độ của GA bị ảnh hưởng bởi môi trường mà chủ yếu là ngày dài. Lượng GA tạo ra trong điều kiện ngày dài nhiều hơn là trong điều kiện ngày ngắn (Railton và Waeing, 1973). Trong số các chất dinh dưỡng thì chất đạm là yều tố quan trọng ảnh hưởng lên mức độ GA. Chất đạm có ảnh hưởng gián tiếp lên sự tổng hợp ra GA vì GA được tổng hợp ở lá đã nở hoặc ở chồi ngọn nên những yếu tố ảnh hưởng lên sự hình thành thân, lá sẽ gián tiếp ảnh hưởng lên sự tổng hợp GA như chất đạm. Ảnh hưởng gián tiếp nầy còn thông qua sự tổng hợp ở rễ và sự vận chuyển lên chồi của CYT.
Vị trí tổng hợp: GAs được tổng hợp ở lá non, phôi đang phát triển và chóp rễ. Trong điều kiện ngày dài GAs được tổng hợp nhiều hơn trong điều kiện ngày ngắn. Ngoài ra, sự phát triển của các cơ quan cũng là một yếu tố ảnh hưởng đến sự tổng hợp GA, như trường hợp ở phôi sẽ sản xuất nhiều GAs hơn các bộ phận khác (Phillips, 1971). Có những bằng chứng cho thấy rằng GA có thể liên kết với các tế bào khác để trở thành dạng bất hoạt và những dạng GA tự do có thể hình thành từ sự thủy phân của những liên kết nầy. Khác với Auxin chỉ di chuyển theo hướng phân cực nhưng GAs di chuyển mọi hướng trong cây, bao gồm trong mô gỗ và mô li-be. Khi phân tích Gibberellin trong dịch trích của mạch xylem. Chen (1987) tìm thấy sự hoạt động của Gibberellin chủ yếu ở thời kỳ phân hóa lá và sau đó giảm dần khi lá trưởng thành. Giai đoạn trước khi hình thành mầm hoa có thấp hơn so với giai đoạn lá trưởng thành và hoa nở nhưng khác biệt không có ý nghĩa. Qua phân tích định tính và định lượng dịch trích trong mô gỗ bằng phương pháp sắc ký khí-khối phổ (Gas chromatography-Mass Spectrometry - GC-MS) ông nhận thấy có sự hiện diện của GA1/3, GA4/7, GA5, GA17 và GA20, trong đó hàm lượng GA1/3 cao nhất (2,9 0,9 ng/mg trong lượng tươi dịch trích) trong thời kỳ trước khi ra đọt và thấp nhất (1,0-1,4 0,2 ng/mg trong lượng tươi dịch trích) trong giai đoạn miên trạng và ra hoa. Cũng tìm hiểu sự biến động của Gibberellin trong thời kỳ miên trạng, nhú mầm, ra hoa và mang trái, Paulas và Shanmugavelu (1988) tìm thấy rằng hàm lượng Gibberellin thấp nhất trong thời kỳ nhú mầm và cao nhất là ở thời kỳ ra hoa. Ở thời kỳ miên trạng, hàm lượng Gibberellin không khác biệt so với thời kỳ ra hoa và mang trái. Khi nghiên cứu sự biến động của Gibberellin lên sự ra hoa của xoài Kiew Savoey, Tongumpai và csv. (1991) cũng tìm thấy rằng hàm lượng Gibberellin trong cây không ra hoa cao hơn cây ra hoa. Hàm lượng Gibberellin giảm khi cây sắp bước vào thời kỳ ra hoa và hầu như không phát hiện được ở giai đoạn 6 tuần trước khi ra hoa. Do đó, tác giả kết luận rằng sự ra hoa của xoài Kiew Savoey có liên quan đến sự giảm hàm lượng Gibberellin trong chồi. Juthamanee (1989) cũng kết luận rằng Gibberellin và hàm lượng đạm trong chồi non có vai trò quan trọng trong việc kiểm soát sự ra hoa.
Notification Switch
Would you like to follow the 'Xử lý ra hoa' conversation and receive update notifications?