<< Chapter < Page | Chapter >> Page > |
a/ Người dịch không am hiểu chủ đề (topic). Chủ đề hiểu ở đây là chủ đề của diễn ngôn, một bộ phận của diễn ngôn như chủ đề ngữ pháp tiếng Anh, chủ đề toán học, chủ đề chính trị hoặc tôn giáo. Có những người dịch rất thông thạo một chủ đề nào đó như tiếng Anh thương mại nhưng lại rất lúng túng trước các từ ngữ chuyên ngành về luật như "civil law", "common law"... Xin đưa ra một số thuật ngữ liên quan đến các chủ đề nói trên để chúng ta những người dịch xem xét mức độ am hiểu về mỗi chủ đề.
Maths: Theorem; equation; map; variable; density; diameter; constant; solution; proportion....
Regilion: Supreme Being; trinity; Lucifer; Shiva; abode of the blessed; polytheism; Brahmanism; blasphemy; Karma; Great vehicle...
b/ Thiếu kiến thức về chuyên môn (technicality). Tính chuyên môn cũng là đặc trưng quan trọng nhất của hệ thuật ngữ KH&KT. Tính chuyên môn được hiểu ở đây là mức độ chúng ta sử dụng các từ ngữ từ các ngành, nghề cụ thể theo một cách chính xác hơn. Gần đây ta thấy trên báo chí thường sử dụng từ "chim xệ cánh" thay cho một từ chỉ một bệnh trong y học là "xơ hóa cơ Delta" vốn được dùng trong giới y học. Rõ ràng xét từ góc độ chuyên môn, người dịch sẽ lúng túng với từ "phoneme" hơn là từ "sound", với từ "pertussis" hơn là từ "whooping cough".
c/ Tính kết hợp các ngữ vực chuyên ngành: trong tiếng Anh phổ thông việc kết hợp từ vựng thường được đoán rất dễ dàng vì chúng rất tiêu biểu và phổ biến nhưng đối với ngôn ngữ chuyên ngành, một số kết hợp như vậy có vẻ như không đặc trưng lắm trong ngôn ngữ hàng ngày nhưng lại rất phổ biến trong ngữ vực chuyên ngành. Sinclair [1] cho rằng các cụm từ "dull highlights" và "vigorous depressions" có thể nghe lạ lẫm trong tiếng Anh thường ngày, nhưng lại là những kết hợp phổ biến trong lĩnh vực nhiếp ảnh và khí tượng học. Trong thống kê các sự kết hợp như "biased error" và "tolerable error" đều phổ biến và chấp nhận được. Các kết hợp nói trên có vẻ lạ lẫm trong giao tiếp Anh ngữ hàng ngày thì chắc chắn cũng là một khó khăn cho người dịch.
d/ Tính đa nghĩa của từ khi kết hợp: Các từ có nhiều nghĩa khác nhau khi được kết hợp nhiều cách khác nhau cũng là một khó khăn cho người dịch. Từ "medicine" có 3 nghĩa: 1) y học/ ngành y; 2) thuốc uống; 3) nội khoa. Khi kết hợp với các động từ "to study" hoặc "to practise" thì mang nghĩa 1). Khi kết hợp với "to take" hoặc "to drink" thì mang nghĩa 2). Trường hợp từ "medicine" khi kết hợp với các tính ngữ "traditional/ conventional/ orthodox/ alternative.... thì nó có nghĩa là nền y học. Nếu nó đi với các từ "cough" hay " herbal" lại có nghĩa thuốc thang, khi kết hợp với từ internal nó có nghĩa là nội khoa.
e/ Các từ kỹ thuật hướng về sự vật và các từ khoa học hướng về quan niệm thường có nhiều nghĩa ở các ngành công nghệ cũng là một vấn đề trong dịch. Từ "module" có bốn nghĩa ở các chuyên ngành khác nhau. Các từ khác như "field", "matrix", "force", "power" cũng có hơn một nghĩa trong nhiều lĩnh vực.
Tiếp đến, một điều không thể không nói đến trong văn bản KH-KT là người giao tiếp (tenor of discourse), chỉ mối quan hệ giữa người nói và người nghe, người viết và người đọc. Trong văn bản KH-KT, vấn đề xưng hô là vấn đề thú vị nhất nhưng đồng thời cũng gây không ít khó khăn trong dịch thuật. Trong văn bản KH-KT, nếu có sử dụng hình thái xưng hô người ta thường tránh né "cái tôi" đáng ghét "I", thậm chí là "We". Người ta thường thay vào đó một loạt cấu trúc vô nhân xưng (impersonality) như: 1) đại từ nhân xưng không xác định; 2) cấu trúc bị động; 3) vai trò các trạng ngữ biểu thị thái độ, quan điểm của tác giả đối với mệnh đề thông tin đi liền phía sau. Sự tránh né như thế là rất phổ biến trong văn bản KH-KT, nơi mà người ta cho thông tin quan trọng hơn người tham dự diễn ngôn.
Notification Switch
Would you like to follow the 'Những điểm cần lưu ý khi dịch một văn bản khoa học-kỹ thuật từ tiếng anh sang tiếng việt' conversation and receive update notifications?