<< Chapter < Page | Chapter >> Page > |
Luận điểm nổi tiếng của C. Mác: “Tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân” đã làm nổi bật chức năng đền bù hư ảo của tôn giáo. Giống như thuốc phiện, tôn giáo đã tạo ra cái vẻ bề ngoài của “sự giảm nhẹ” tạm thời những nỗi đau khổ của con người, an ủi cho những sự mất mát, thiếu hụt của con người trong cuộc sống.
Chức năng đền bù hư ảo không chỉ là chức năng chủ yếu, đặc thù mà còn là chức năng phổ biến của tôn giáo. Ở đâu có tôn giáo ở đó có chức năng đền bù hư ảo.
Tôn giáo là một hiện tượng xã hội phức tạp, nó không chỉ thực hiện một chức năng mà gồm một hệ thống chức năng xã hội. Mặc dù là chức năng chủ yếu nhưng chức năng đền bù hư ảo không thể tách rời các chức năng khác của tôn giáo.
Khi phản ánh một cách hư ảo hiện thực, tôn giáo có tham vọng tạo ra một bức tranh của mình về thế giới nhằm thoả mãn nhu cầu nhận thức của con người dưới một hình thức phi hiện thực. Bức tranh tôn giáo ấy bao gồm hai bộ phận: thế giới thần thánh và thế giới trần tục và trên cơ sở đó mà tôn giáo giải thích các vấn đề của tự nhiên cũng như xã hội. Sự lý giải của tôn giáo về thế giới nhằm hướng con người tới cái siêu nhiên , thần thánh, do đó nó đã xem nhẹ đời sống hiện thực. Quan niệm này có thể tác động tiêu cực đến ý thức giáo dân, đến thái độ của họ đối với xung quanh.
Tôn giáo đã tạo ra một hệ thống các chuẩn mực, những giá trị nhằm điều chỉnh hành của những con người có đạo. Những hành vi được điều chỉnh ở đây không chỉ là những hành vi trong thờ cúng mà ngay cả trong cuộc sống hàng ngày trong gia đình cũng như ngoài xã hội của giáo dân. Vì vậy, hệ thống chuẩn mực, giá trị trong lý thuyết đạo đức và xã hội mà tôn giáo tạo ra đã ảnh hưởng quan trọng đến mọi hoạt động của con người. Tất nhiên ở đây chúng ta cần phải chú ý rằng những chuẩn mực, giá trị tôn giáo đã bị tước bỏ khá nhiều những đặc trưng khách quan và phụ thuộc vào những giá trị siêu nhiên, hư ảo.
Chức năng giao tiếp của tôn giáo thể hiện khả năng liên hệ giữa những người có chung một tín ngưỡng. Sự liên hệ (giao tiếp) được thực hiện chủ yếu trong hoạt động thờ cúng, sự giao tiếp với thánh thần được coi là sự giao tiếp tối cao. Ngoài mối liên hệ giao tiếp trong quá trình thờ cúng, giữa các giáo dân còn có sự giao tiếp ngoài tôn giáo như liên hệ kinh tế, liên hệ cuộc sống hàng ngày, liên hệ trong gia đình... Những mối liên hệ ngoài tôn giáo có thể lại củng cố, tăng cường các mối liên hệ tôn giáo của họ.
Trong các xã hội trước đây, tôn giáo với tư cách là bộ phận tất yếu trong cấu trúc thượng tầng đã đóng vai trò quan trọng của nhân tố liên kết xã hội, nghĩa là nhân tố làm ổn định những trật tự xã hội đang tồn tại, dựa trên những hệ thống giá trị và chuẩn mực chung của xã hội. Tuy nhiên không nên quan niệm một cách sai lầm rằng tôn giáo bao giờ cũng là nhân tố liên kết xã hội chủ yếu, bảo đảm sự thống nhất của xã hội. Sự thống nhất của xã hội trước hết được bảo đảm bởi hệ thống sản xuất vật chất xã hội chú không phải bằng cộng đồng tín ngưỡng. Hơn nữa trong những điều kiện xã hội nhất định, tôn giáo có thể biểu hiện như là ngọn cờ tư tưởng của sự chống đối lại xã hội, chống lại chế độ phản tiến bộ đương thời.
Trên đây là hệ thống chức năng của tôn giáo, trong đó mỗi chức năng lại hàm chứa các chức năng khác.
Notification Switch
Would you like to follow the 'Giáo trình tôn giáo học' conversation and receive update notifications?