<< Chapter < Page | Chapter >> Page > |
Đặc điểm ra hoa của cây xoài
Cây xoài ra hoa trên chồi tận ngọn. Hoa xoài có hai loại là hoa đực và hoa lưỡng tính (Hình 6.1 ). Mỗi hoa mang từ 0-2 bao phấn hữu thụ và 0-6 bao phấn bất thụ. Tỉ lệ hoa lưỡng tính thay đổi tùy giống và điều kiện thời tiết.
Khảo sát đặc tính thái hoa và sự mở bao phấn của 8 giống xoài Bưởi, cát Hòa Lộc, Châu Hạng Võ, Falun, Nam Dok Mai, Thơm, và Thanh Ca, Lê Thanh Tâm (2002) nhận thấy 100% hoa lưỡng tính của hai giống Bưởi và Falun đều có bao phấn hữu thụ, trong khi xoài cát Hòa Lộc và xoài Thơm có 15% số hoa lưỡng tính không có bao phấn hữu thụ. Tỉ lệ bao phấn mở thấp nhất là xoài cát Hòa Lộc (20%) và cao nhất là xoài Nam Dok Mai (92,5%).
Khảo sát đặc điểm ra hoa và đậu trái của bốn giống xoài cát Hòa Lộc, Thanh Ca, Thơm và Nam Dok Mai (Đặng Thanh Hải, 2000) nhận thấy phát hoa dài trung bình từ 23 cm (Nam Dok Mai) đến 55, 2 cm (Cát Hòa Lộc), mang từ 2.658 – 38.216 hoa/phát hoa. Xòai cát Hòa Lộc có tỉ lệ hoa lưỡng tính cao nhất (71,0%) và thấp nhất là xòai Thơm (19,0%). Có sự lệch pha giữa thời gian nhận phấn của hoa lưỡng tính và tung phấn của hoa đực. Hoa lưỡng tính nhận phấn từ 6 giờ 30 đến 9 giờ trong khi hoa đực tung phấn từ 8 giờ 45 đến 11 giờ. Đây có lẽ là nguyên nhân gây ra sự đậu trái thấp. Chaikiattiyos và ctv. (1997) cho biết giống xoài Kiew Savoey có tỉ lệ hoa lưỡng tính trồng ở vùng có khí hậu nhiệt đới cũng như vùng có khí hậu ôn đới đều thấp hơn so với giống xoài Nam Dok Mai (10,7-17,8% so với 20,9-43,5%). Thông thường có 5 bao phấn trên mỗi hoa nhưng thường chỉ có 1-2 bao phấn phát triển và có mang hạt phấn, số còn lại không phát triển. Số hạt phấn trên một bao phấn biến động từ 250-650 hạt/bao phấn, trung bình có 410 hạt/bao (Spencer và Kennard, 1955, trích bởi Litz, 1997). Sự đậu trái kém còn do thiếu hạt phấn mà nguyên nhân là chỉ có từ 1-2 bao phấn hữu thụ trên mỗi hoa (Hình 6.2).
Hình 6.1 Hoa xoài cát Hòa Lộc. a) hoa đực với một bao phấn hữu thụ; b) hoa lưỡng tính với bầu noãn và một bao phấn bất thụ |
Hình 6.2 Bao phấn đang mở sẵn sàng tung phấn |
* Sự ra hoa
Mô hình khởi phát hoa của cây thân thảo và những cây ra hoa theo mô hình do ảnh hưởng của quang kỳ, xử lý nhiệt độ thấp hay cả hai thì sự khởi đầu của quá trình ra hoa để ám chỉ sự bắt đầu của sự gợi mầm hoa (floral bud evocation) (Davenport và Nunẽz-Elisea, 1997). Trái lại trên cây xoài, dấu hiệu kích thích ra hoa có thể hiện diện trước khi sự khởi mầm hoa (bud initiation), nó phải còn hiện diện ở thời điểm khởi mầm hoa cho sự ra hoa xuất hiện (Nunẽz-Elisea và Davenport, 1995). Hơn nữa, dấu hiệu kích thích có thể thay đổi từ sinh sản sang sinh trưởng hoặc ngược lại bởi sự thay đổi của nhiệt độ tác động lên cây trong thời gian đầu phát triển chồi (Batten và Mconchie, 1995). Sự đáp ứng khác nhau rõ ràng theo điều kiện tác động bên ngoài cho thấy tế bào của mô phân sinh ngọn chưa được xác định và có thể biến đổi từ sinh sản sang sinh trưởng hay ngược lại. Khi mô tả chu kỳ sinh trưởng và phát triển của cây xoài, Cull (1991) cho rằng sự phát triển mầm hoa cùng với trạng thái ngủ (dormancy) trong ba tháng. Trong khi đó, khi theo dõi sự hình thành mầm bằng cách giải phẩu mô phân sinh ngọn xoài Kiew Savoey, Tongumpai và ctv. (1997c) nhận thấy ở giai đoạn 112 ngày sau khi xử lý PBZ, tất cả các chồi của cây có xử lý PBZ đều hình thành mầm hoa trong khi ở cây không xử lý PBZ mầm hoa chưa xuất hiện. Trong thí nghiệm nầy Tongumpai và ctv. (1997c) xử lý PBZ khi chồi được 16 ngày tuổi, như vậy mầm hoa vẫn chưa hình thành khi chồi được 4 tháng tuổi. Nghiên cứu một số giống xoài của Philippines, Bugante (1995) cho rằng sự khởi phát hoa xuất hiện từ 4-9 tháng sau khi chồi xuất hiện.
Notification Switch
Would you like to follow the 'Xử lý ra hoa' conversation and receive update notifications?