<< Chapter < Page | Chapter >> Page > |
Khi thực hiện tự động giảm tải theo tần số cần tính đến tất cả các trường hợp thực tế có thể dẫn đến việc cắt sự cố công suất phát và phân chia hệ thống điện thành các phần bị
thiếu hụt công suất tác dụng. Công suất thiếu hụt càng lớn thì công suất phụ tải cần cắt ra càng lớn. Để tổng công suất phụ tải bị cắt ra do thiết bị tự động giảm tải theo tần số TGT gần bằng với công suất tác dụng thiếu hụt, thiết bị TGT cần được thực hiện để cắt tải theo từng đợt, tần số khởi động của mỗi đợt cắt tải là khác nhau.Hình 12.9 là đường cong biễu diễn quá trình thay đổi tần số khi đột ngột xuất hiện thiếu hụt công suất tác dụng. Nếu trong hệ thống không có thiết bị TGT, do tác dụng tự điều chỉnh của phụ tải và tác động của bộ điều chỉnh tốc độ quay tuốc-bin nên tần số sẽ ổn định ở một giá trị xác lập nào đó (đường I). Để khôi phục tần số về giá trị định mức, cần cắt tải bằng tay. | Hình 12.9 : Sự thay đổi tần số khi thiếu hụt công suất tác dụngI. khi không có TGT II. khi có TGT |
Quá trình thay đổi tần số khi có thiết bị TGT sẽ diễn ra theo đường II. Giả sử thiết bị TGT có 3 đợt cắt tải với tần số khởi động của đợt là: 48; 47,5; 47 Hz. Khi tần số giảm xuống đến 48Hz (điểm 1) thì đợt 1 tác động cắt một phần phụ tải, nhờ vậy giảm được tốc độ giảm thấp tần số. Khi tần số tiếp tục giảm xuống đến 47,5Hz (điểm 2) thì đợt 2 tác động cắt thêm một số phụ tải, sự thiếu hụt công suất và tốc độ giảm thấp tần số được giảm nhiều hơn. Ở tần số 47 Hz (điểm 3), đợt 3 tác động cắt một công suất phụ tải không những đủ để chấm dứt tình trạng giảm tần số mà còn đủ để khôi phục tần số đến hay gần đến giá trị định mức. Cần lưu ý là nếu lượng công suất thiếu hụt ít, thì có thể chỉ có đợt 1 hoặc chỉ có đợt 1 và đợt 2 tác động.
Ngoài các đợt tác động chính, thiết bị tự động giảm tải theo tần số cần phải có một đợt tác động đặc biệt để ngăn ngừa hiện tượng “tần số treo lơ lửng”. Hiện tượng này có thể sinh ra sau khi các đợt chính tác động nhưng tần số vẫn không trở về giá trị gần định mức mà duy trì ở một giá trị nào đó thấp hơn định mức. Tần số khởi động của đợt tác động đặc biệt vào khoảng 47,5 đến 48 Hz.
Tác động của thiết bị TGT phải phối hợp với các loại thiết bị tự động hóa khác trong hệ thống điện. Ví dụ như, để thiết bị TGT tác động có kết quả, các hộ tiêu thụ đã bị cắt ra khi tần số giảm thấp không được đóng lại bởi thiết bị TĐL hoặc TĐD.
Khi mất liên lạc với hệ thống (cắt cả 2 đường dây nối với hệ thống hoặc cắt máy biến áp B1 trong sơ đồ hình 12.10), các hộ tiêu thụ điện nối vào phân đoạn I thanh góp hạ áp của trạm sẽ bị mất điện. Sau một thời gian ngắn nhờ tác động của các thiết bị tự động hóa như TĐL đường dây hoặc TĐD máy cắt phân đoạn, nguồn cung cấp lại được khôi phục cho các hộ tiêu thụ. Tuy nhiên, trong khoảng thời gian đó các hộ tiêu thụ của trạm có thể bị cắt ra bởi tác động nhầm của thiết bị TGT. Tình huống này xảy ra là do sau khi mất nguồn cung cấp, điện áp trên thanh góp trạm có máy bù đồng bộ hoặc động cơ không bị mất ngay mà duy trì trong một thời gian nào đó do quán tính.
Các động cơ không đồng bộ có thể duy trì điện áp trên thanh góp trạm vào khoảng 40 50% điện áp định mức trong vòng 1 giây, còn máy bù và động cơ đồng bộ duy trì điện áp cao hơn trong khoảng vài giây. Tốc độ quay của các máy bù và động cơ đồng bộ lúc này bị giảm thấp, nên tần số của điện áp duy trì cũng bị giảm xuống và TGT nối vào điện áp đó có thể tác động nhầm cắt các hộ tiêu thụ trước khi TĐL và TĐD kịp tác động.Thực tế để ngăn ngừa tác động nhầm trong trường hợp này, người ta đặt một bộ khóa liên động vào sơ đồ thiết bị TGT. Rơle tần số Rf (hình 12.10) của thiết bị TGT sẽ bị khống chế tác động bởi rơle định hướng công suất tác dụng RW (làm nhiệm vụ của bộ khóa liên động). Khi còn liên lạc với hệ thống, trạm sẽ tiêu thụ công suất tác dụng và rơle RW cho phép thiết bị TGT làm việc khi cần thiết. Sau khi mất nguồn cung cấp, sẽ không có công suất tác dụng đi qua máy biến áp | Hình 12.10 : Ngăn ngừa tác động nhầm của TGT khi các hộ tiêu thụ tạm thời bị mất điện |
hoặc công suất tác dụng sẽ hướng về phía thanh góp cao áp của trạm, rơle RW khóa rơle Rf và ngăn ngừa tác động nhầm của thiết bị TGT.
Khi không đặt bộ khóa liên động, người ta cũng có thể sửa chữa tác động nhầm của thiết bị TGT bằng cách áp dụng biện pháp TĐL sau tác động của TGT.
Thiết bị tự động đóng trở lại theo tần số (TĐLT) là thiết bị tự động hóa cần thiết để tăng nhanh tốc độ khôi phục nguồn cung cấp cho các phụ tải đã bị cắt ra do thiết bị TGT.
Thiết bị TĐLT tác động ở tần số 49,5 50 Hz, cũng được thực hiện bao gồm một số đợt, thời gian tác động của đợt đầu tiên khoảng 10 đến 20 sec. Khoảng thời gian nhỏ nhất giữa các đợt kề nhau là 5 sec. Công suất phụ tải của các đợt TĐLT thường được phân chia đồng đều. Thứ tự đóng các phụ tải bằng thiết bị TĐLT ngược với thứ tự cắt các phụ tải do tác động của thiết bị TGT.
Để ngăn ngừa khả năng tần số giảm thấp trở lại sau khi thiết bị TĐLT làm việc (có thể làm cho thiết bị TGT khởi động một lần nữa), trong sơ đồ TĐLT cần phải đảm bảo chỉ tác động một lần. Cũng cần phải loại trừ khả năng chuyển mạch các hộ tiêu thụ sang một nguồn cung cấp khác nhờ thiết bị TĐD sau khi chúng đã bị cắt ra bởi thiết bị TGT, đồng thời khi tần số khôi phục cần phải đóng trở lại những hộ tiêu thụ đó nhanh nhất có thể được.
Hình 12.11 là sơ đồ một đợt TGT có kèm TĐLT. Trong sơ đồ sử dụng một rơle tần số Rf có tần số khởi động tự động thay đổi.
Hình 12.11 : Sơ đồ kết hợp thiết bị TGT và TĐLT
Khi tần số f giảm đến giá trị tần số khởi động của rơle Rf (tương ứng với trị số đặt của thiết bị TGT), tiếp điểm của Rf khép lại, rơle 1RT bắt đầu tính thời gian, sau khoảng thời gian t1RT các rơle 1RG, 2RG tác động cắt bớt một số phụ tải. Tiếp điểm 1RG4 đóng làm cho bộ phận đo lường của rơle tần số Rf có giá trị đặt tương ứng với tần số khởi động của thiết bị TĐLT. Lúc này tiếp điểm của rơle Rf chỉ mở ra khi tần số của hệ thống khôi phục đến trị số đặt mới vào khoảng 49,5 50 Hz. Tiếp điểm 1RG2 đóng mạch cuộn dây rơle 3RG, tiếp điểm 3RG1 đóng lại để tự giữ, tiếp điểm 3RG2 đóng lại nhưng rơle 2RT lúc này chưa tác động được do tiếp điểm 1RG3 đã mở.
Khi tần số khôi phục trở lại giá trị định mức hoặc gần định mức, tiếp điểm Rf và sau đó tiếp điểm 1RT mởra. Các rơle trung gian 1RG và 2RG trở về, tiếp điểm 1RG3 đóng làm cho rơle 2RT khởi động, sau một thời gian tiếp điểm 2RT2 đóng mạch cuộn dây rơle trung gian 4RG. Tiếp điểm 4RG1 đóng lại để tự giữ, tiếp điểm 4RG2 và 4RG3 đóng đưa xung đi đóng máy cắt của các hộ tiêu thụ đã bị cắt ra bởi thiết bị TGT.
Sơ đồ sẽ trở về trạng thái ban đầu sau khi tiếp điểm 2RT3 đóng lại. Rơle 3RG trở về và mở tiếp điểm 3RG2 trong mạch cuộn dây rơle 2RT. Các rơle tín hiệu 1Th và 2Th để báo tín hiệu về trạng thái khởi động của thiết bị TGT và TĐLT.
Notification Switch
Would you like to follow the 'Bảo vệ rơ le và tự động hóa' conversation and receive update notifications?