<< Chapter < Page | Chapter >> Page > |
Khảo sát sự liên hệ giữa yếu tố nhiệt độ thấp và sự khô hạn, Núnẽz-Elisea và Davenport (1994) cho biết trong điều kiện nhiệt độ ấm, trung bình thấp nhất vào khoảng 20oC, điều kiện khô hạn làm chậm sự phát triển chồi nhưng không kích thích sự ra hoa. Trong điều kiện nhiệt độ thấp, trung bình thấp nhất vào khoảng 15oC, thì cây xoài ra hoa mà không cần để ý đến điều kiện khô hạn. Như vậy, điều kiện nhiệt độ lạnh đã thúc đẩy sự kích thích ra hoa, trái lại, sự khô hạn thúc đẩy sự phát triển mầm hoa được kích thích.
Khả năng chịu ngập của cây xoài chưa được biết rõ. Có báo cáo cho rằng cây xoài đòi hỏi đất phải thoát nước tốt để cây sinh trưởng mạnh và đạt năng suất cao nhưng cũng có những báo cáo cho rằng cây xoài có khả năng chịu được điều kiện ngập úng rất tốt (Jawanda, 1961; Young và Sauls, 1981). Để xác định khả năng chịu ngập của cây xoài, Larson và ctv. (1991) đã dùng cây xoài Tommy Atkin 4 năm tuổi trồng trong chậu và cho ngập sâu 10 cm trong thời gian 14 và 28 ngày. Kết quả cho thấy rằng sau khi cây xoài bị ngập 2-3 ngày, sự đồng hóa khí CO2 và sự dẫn truyền của khí khổng giảm. Việc ngập không ảnh hưởng tiềm thế nước của lá, sự sinh trưởng và trọng lượng chất khô của chồi nhưng sự tăng trưởng của đường kính thân và trọng lượng chất khô của rễ giảm, kết quả là cây bị ngập sẽ có tỉ lệ chồi/rễ lớn. 44 ngày sau khi đưa ra khỏi điều kiện ngập, sự đồng hóa khí CO2, sự dẫn truyền của khí khổng và sự thoát hơi nước của cây chịu ngập 14 ngày mới trở lại bình thường so với cây đối chứng. Kết quả thí nghiệm nầy cho thấy rằng, trong điều kiện bị ngập cây xoài bị giảm sự trao đổi khí, sự sinh trưởng và có một số tỉ lệ cây chết từ 0-45% nên tác giả cho rằng cây xoài không phải là cây chịu ngập cao nhưng có vẽ thích nghi với điều kiện đất ngập nước. Ở Cao Lãnh, Đồng Tháp, xoài cát Hòa Lộc, xoài Ù có thể sống qua mùa lũ với độ ngập sâu đến 60 cm trong hơn 3 tháng. Phần lớn cây xoài bị chết trong mùa lũ là do thối gốc có lẽ do sự tấn công của nấm Phytophthora sp (Hình 6.10).
Để chứng minh ảnh hưởng điều kiện lên sự ra hoa xoài, Kohli và Reddy (1985) đã cho cây xoài 2 năm tuổi vào chậu và sau 55 ngày thì có 2 cây ra hoa. Từ quan sát nầy tác giả cho rằng điều kiện ngập có thể dùng để kích thích ra hoa cho cây xoài.
Nhìn chung, cây xoài có khuynh hướng sinh trưởng mạnh và ra hoa thất thường trong điều kiện nhiệt độ cao (>30oC/25oC ngày và đêm), ẩm độ không khí cao và ẩm độ đất gần với thủy dung ngoài đồng (Whiley và ctv. 1989). Trong điều kiện bị “stress” thời kỳ trước khi ra hoa, sẽ làm ảnh hưởng đến sự trao đổi chất của các chất điều hòa sinh trưởng và amino acid. Hàm lượng Auxin, Ethylene, Abscisic acid như là một chất ức chế tăng trong khi hàm lượng của Gibberellin và Cytokinin thì giảm.
Hình 6.10 Vườn xoài cát Hòa Lộc bị ngập trong mùa nước ở Cao Lãnh, Đồng Tháp |
Việc tỉa những cành mọc sát nhau trong nửa đầu tháng 9 cũng làm tăng tỉ lệ ra hoa, đặc biệt là những vườn cây già, che rợp lẫn nhau. Việc cắt rễ cũng có tác động mạnh làm tăng sự ra hoa. Biện pháp cắt rễ có tác dụng làm giảm hàm lượng Gibberellin trong lá tương tự như biện pháp tưới PBZ vào gốc cây (Protacio, 2000).
Notification Switch
Would you like to follow the 'Xử lý ra hoa' conversation and receive update notifications?